Văn hóa doanh nghiệp là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm phát triển và quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp đó rộng rãi đến với cộng đồng. Có thể nói, đó chính là một thứ tài sản vô giá của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản trong xã hội hiện nay. Người Nhật nổi tiếng với nghệ thuật ứng xử vô cùng khắt khe và nghiêm nghị, vì đối với họ, các hình thức lễ nghĩa rất là quan trọng. Với lối ứng xử đó, các doanh nghiệp Nhật dần tiến vào vị trí các doanh nghiệp có môi trường làm việc trách nhiệm cao đi đầu trên toàn thế giới.
Do luôn coi trọng nét đặc trưng này, các doanh nghiệp Nhật thường đưa ra các quy định và yêu cầu cao cho nhân viên của mình, nhằm giúp họ quen dần với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Và mỗi doanh nghiệp Nhật đều có những hình thức training khác nhau dành cho nhân viên từ lời ăn tiếng nói đến phong thái làm việc. Cụ thể, họ sẽ tập trung đào tạo nhân viên về một số yếu tố như sau:

1. Nghi thức cúi chào
Nhân viên mới thường được đào tạo rất kỹ về nghi thức này, vì người Nhật Bản cho rằng phong thái chào đúng cách sẽ tỏ rõ được sự kính trọng của mình với đối phương. Chào theo phong cách Nhật có đến 3 kiểu: Eshaku, Keirei và Saikeirei. Kiểu đầu tiên được sử dụng khi gặp bạn bè và đồng nghiệp. Kiểu thứ hai được sử dụng khi gặp khách hàng, sếp hoặc những người lớn tuổi hơn. Còn kiểu thứ ba được coi là kiểu lịch sự nhất, dùng để tỏ lòng biết ơn hoặc xin lỗi đối phương.
2. Thái độ nhận điện thoại từ khách hàng
Doanh nghiệp Nhật rất coi trọng cách nhận cuộc gọi từ khách hàng. Vì họ cho rằng đây chính là yếu tố đánh giá chất lượng dịch vụ của một doanh nghiệp, đồng thời cũng là yếu tố làm nên sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Khi có cuộc gọi đến, nhân viên phải bắt máy ngay sau một hoặc hai tiếng chuông điện thoại. Và sau khi bắt máy, nhân viên phải nói lời chào với khách hàng, đồng thời nêu tên của công ty hay doanh nghiệp của mình. Họ phải luôn đảm bảo được tiêu chí “Không để khách hàng chờ lâu”. Nếu bắt máy trễ hơn do đang bận việc, nhân viên phải xin lỗi khách hàng ngay khi bắt máy. Nội dung cuộc gọi phải được đảm bảo tính ngắn gọn và dễ hiểu để không làm mất quá nhiều thời gian của khách hàng.
3. Thái độ nghiêm túc trong công việc
Mỗi nhân viên trong doanh nghiệp Nhật luôn luôn đặt tiêu chí “đúng giờ” lên hàng đầu. Do đó, không có gì quá ngạc nhiên khi thấy đồng hồ đeo tay của người Nhật thường chạy nhanh hơn vài phút.
Trong công việc, người Nhật thường sử dụng ngôi thứ nhất là “chúng tôi” thay vì “tôi”, do họ cho rằng để đạt được thành công của một doanh nghiệp như hiện nay đều nhờ vào công sức của cả tập thể chứ không đơn thuần là một cá nhân.
Ngoài ra, nhân viên phải hết sức cẩn thận trong cách giao tiếp với cấp trên, vì họ luôn quan niệm rằng điều này sẽ thể hiện được sự tôn trọng và quý mến đối với cấp trên của mình. Văn hóa công sở của người Nhật được đánh giá rất cao trong xã hội hiện nay.
4. Danh thiếp cá nhân
Trong cuộc gặp đầu tiên, danh thiếp được coi là một vật đóng vai trò rất quan trọng. Bạn phải giữ gìn danh thiếp của đối phương nhằm thể hiện lòng tôn trọng đối với họ. Đặc biệt hơn, cách đưa danh thiếp của mình cho đối phương cũng phải đưa theo một khuôn khổ nhất định: cầm danh thiếp vuông góc với mặt bàn, mặt chính của danh thiếp phải được hướng về phía người nhận.
Nhờ vào văn hóa ứng xử khắc khe, chúng ta không thể phủ nhận được rằng người Nhật đã rất thành công trong các loại hình kinh doanh hiện nay.